Kirin Views 33 | Xuất khẩu rau quả – Tín hiệu bùng nổ ngay từ đầu năm

Giá trị xuất khẩu của mặt hàng rau quả trong những ngày đầu năm 2024 là một trong những điểm sáng. Cụ thể, tính từ đầu năm tới ngày 15/2/2024, giá trị xuất khẩu rau quả đạt 633 triệu USD tăng hơn 57% so với cùng kì năm trước. Năm 2023, rau quả là nhóm hàng xuất khẩu có tốc độ tăng trưởng ấn tượng nhất, với kim ngạch kỷ lục 5,69 tỷ USD, tăng tới 69,2% so với năm 2022. Đây cũng là một trong những mặt hàng xuất khẩu ghi nhận sự tăng trưởng mạnh. Hãy cùng Kirin Capital tìm hiểu nguyên nhân phía sau và tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu rau quả.

*: Lũy kế từ đầu năm tới 15/2                        Nguồn: Tổng cục hải quan, Hiệp hội rau quả Việt Nam, Kirin Capital tổng hợp

01 | Nhiều mặt hàng rau quả được xuất khẩu chính ngạch sang các thị trường rất tiềm năng

Nghị định thư xuất khẩu sầu riêng giữa Việt Nam và Trung Quốc được ký kết vào tháng 7/2022 cho phép sầu riêng của Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc. Điều này đã nâng trị giá xuất khẩu sầu riêng năm 2023 đạt 2,2 tỷ USD và đưa mặt hàng này trở thành mặt hàng rau quả có giá trị xuất khẩu lớn nhất. Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã có một số mặt hàng rau quả như thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam vẫn còn một số mặt hàng quả khác như bưởi, dừa đang trong quá trình đàm phán. Đặc biệt, với khoảng 200.000 ha diện tích trồng dừa đưa Việt Nam lọt Top 10 nước trồng dừa lớn nhất thế giới. Điều này sẽ mang lại giá trị rất lớn cho mặt hàng này của Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc.

02 | Việt Nam có lợi thế rất lớn khi có thể sản xuất được rau, quả quanh năm với các loại rau quả rất đa dạng

Việt Nam có diện tích trồng cây ăn quả lên tới 1,2 triệu ha. Trong đó, một số mặt hàng chủ lực có diện tích trồng lớn. Đơn cử như cả nước có hơn 112.000 ha sầu riêng, tập trung ở một số vùng chính như Tây Nguyên hơn 52.000 ha (khoảng 47%), Đồng bằng sông Cửu Long 33.000 ha (khoảng 30%), Đông Nam Bộ 21.000 ha (khoảng 19%); khoảng 200.000 ha dừa; 55.000 ha thanh long; 154.000 ha chuối; 115.000 ha xoài…

03 | Nhiều hiệp định thương mại (FTA) đã và đang đàm phán

Việt Nam đã ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) trong đó có các thị trường đòi hỏi quy trình và kĩ thuật cao như EU, Australia, Nhật Bản… và 3 FTA đang trong quá trình đàm phán. Nhờ đó, xuất khẩu rau quả có lợi thế nhờ ưu đãi thuế quan, nâng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.

Kirin Capital đánh giá tiềm năng xuất khẩu rau quả năm 2024 của Việt Nam là rất lớn, đặc biệt là các mặt hàng chủ lực như sầu riêng, dừa, chuối, xoài, thanh long… Ngoài ra, các quy trình kĩ thuật chuẩn VietGap, GlobalGap… đang được chú trọng sẽ mở ra cơ hội để nhiều mặt hàng rau quả của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường lớn khác như Trung Quốc, Mỹ, EU…

Kirin Views là series thứ hai của Kirin Capital hướng đến mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”. Chuyên mục cung cấp quan điểm, góc nhìn về thị trường Việt Nam thông qua các nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia đã có hàng chục năm kinh nghiệm. Từ đó, chúng tôi giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những cơ hội tiềm năng mà Việt Nam mang lại, hợp tác cùng phát triển để đạt được mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”.