Kirin Views 20 | CPI năm 2023 tăng 3,25%, tạo đà cho kiểm soát lạm phát năm 2024

Kirin Views là series thứ hai của Kirin Capital hướng đến mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”. Chuyên mục cung cấp quan điểm, góc nhìn về thị trường Việt Nam thông qua các nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia đã có hàng chục năm kinh nghiệm. Từ đó, chúng tôi giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những cơ hội tiềm năng mà Việt Nam mang lại, hợp tác cùng phát triển để đạt được mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”.

Chỉ số CPI

Tính chung cả năm 2023, CPI tăng 3,25% so với năm trước, đạt mục tiêu Quốc hội đề ra. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 12/2023, giá học phí, giá điện sinh hoạt và giá gạo tăng là những nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12/2023 tăng 0,12% so với tháng trước, tăng 3,58% so với cùng kỳ năm trước. Trong mức tăng 0,12% của CPI tháng 12/2023 so với tháng trước, có 10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng và 1 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Chúng tôi dự kiến CPI bình quân 2024 sẽ dao động ở động ở mức 3,5%, mức lạm phát vẫn duy trì nằm trong kế hoạch đề ra của chính phủ là 4%-4,5% do cầu trong nước vẫn còn thấp. Lạm phát trong năm sau sẽ chịu rủi ro bởi các yếu tố sau đây:

01 | Giá thép xây dựng nội địa sẽ phục hồi

Giá thép xây dựng nội địa sẽ phục hồi lên mức 15 triệu VNĐ/tấn (+8% svck) trong năm 2024 nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam. Đồng thời các chính sách hỗ trợ sẽ thúc đẩy phục hồi thị trường BĐS từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% svck (theo dự báo của CBRE) sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa và tác động đến chỉ số giá của nhóm vật liệu xây dựng.

02 | Giá điện tăng tác động lớn đến thị trường hàng hóa

Giá điện đã tăng lần thứ hai trong năm từ ngày 09/11 từ 1.920 đồng lên 2.006 đồng/kWh (chưa gồm thuế VAT) (tăng 4,5%) sẽ đẩy chỉ số giá tiêu dùng trong các tháng đầu năm 2024 và tác động đến các hàng hóa, sản phẩm và các dịch vụ liên đới và đẩy chi tiêu hàng ngày vọt lên.

03 | Giá gạo tăng tiếp tục tác động đến giá lương thực thực phẩm

Trong khi thương mại của Việt Nam được hưởng lợi từ giá gạo sẽ tăng trong bối cảnh nhu cầu tại các thị trường châu Á và châu Phi tăng lên, giá cả quốc tế đã đẩy giá hàng hóa thiết yếu trong nước tăng cao. Giá gạo toàn cầu trung bình năm 2023 cao hơn 28% so với năm 2022 và dự kiến sẽ tăng thêm 6% vào năm 2024 (theo dự báo của WB) tiếp tục tác động đến giá lương thực thực phẩm.

04 | Giá dầu tiếp tục là yếu tố đáng chú ý

Ngoài ra, giá dầu cũng là một yếu tố đáng chú ý trong năm sau trong bối cảnh các xung đột quốc tế có thể kéo dài. Tuy nhiên, triển vọng giá dầu chưa thực sự rõ ràng vì các cam kết cắt giảm từ OPEC+ hiện tại chỉ chắc chắn kéo dài đến hết Quý I/2024, sản lượng từ các quốc gia ngoài OPEC+ liên tục gia tăng trong bối cảnh nhu cầu ảm đạm do ảnh hưởng từ nền kinh tế. Chúng tôi dự báo giá dầu trung bình năm 2024 sẽ trong khoảng 83 – 88 USD/thùng, tức là tăng nhẹ khoảng 3% – 4,7% so với giá dầu trung bình năm 2023.