Là một thị trường mới nổi, nền kinh tế Việt Nam đang phát triển với tốc độ nhanh chóng. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam lại gặp khó khăn trong việc phát triển và trở thành công ty lớn. Theo Kirin Capital, điều này đến từ nhiều nguyên nhân. Nhưng cũng với sự phát triển với tốc độ nhanh này của nền kinh tế mà các doanh nghiệp Việt Nam lại có nhiều cơ hội với rất nhiều xu hướng phát triển trong tương lai.
01 | Khó khăn về vốn và tài chính
Nguyên nhân đầu tiên, các doanh nghiệp ở Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn để mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh. Trước hết đối với kênh vay vốn ngân hàng, theo thông tin từ Nhóm tư vấn định chế tài chính của Tổ chức Tài chính quốc tế, khoảng 70% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn khi vay vốn ngân hàng, chủ yếu do thiếu tài sản thế chấp và lịch sử tín dụng. Gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm, quy mô tối đa 40,000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp có khả năng phục hồi sau đại dịch Covid-19 từ đầu 2022 sau 2 năm thực hiện cũng chỉ mới giải ngân được hơn 3%. Xét tổng thể cả nền kinh tế, tăng trưởng tín dụng 10 năm trở lại đều giữ mức tăng trưởng hai con số, tuy nhiên 5 tháng đầu năm nay lại chỉ tăng 2.41% so với cuối năm 2023, tăng rất chậm so với mục tiêu tăng trưởng cả năm là 15% và so với mức tăng vốn thấp vào năm ngoái 3.17%.
Tăng trưởng tín dụng (YTD)
Nguồn: SBV, Kirin Capital
Đối với kênh trái phiếu, sau một thời gian tạm dừng để hỗ trợ thị trường vượt qua giai đoạn khó khăn, Nghị định 65 chính thức có hiệu lực trở lại vào đầu năm 2024 tiếp tục siết chặt lại các điều kiện về phát hành trái phiếu khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ khó tiếp cận kênh vay vốn này. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tính đến Q1/2024 mới chiếm khoảng 12.1% GDP của 2023 và có xu hướng giảm dần từ năm 2022 sau khi bị siết chặt.
Vốn hóa trái phiếu lưu hành cuối kỳ và tỷ trọng trên GDP
Nguồn: Fiin Pro, Kirin Capital
Còn với kênh chứng khoán, Ủy ban Chứng khoán ngày càng siết chặt điều kiện niêm yết trên sàn khi trong năm 2023 chỉ có 1 doanh nghiệp được niêm yết mới, 8 doanh nghiệp chuyển sàn, trong khi có tận 31 doanh nghiệp bị hủy niêm yết. Vốn hóa của thị trường chứng khoán Việt Nam tính đến cuối Q1/2024 cũng chỉ chiếm khoảng 65% GDP, doanh nghiệp sau khi niêm yết chưa thực sự được thị trường đánh giá cao và chưa huy động được nhiều vốn. Theo thống kê năm 2023 số tiền huy động được từ kênh phát hành riêng lẻ của các doanh nghiệp niêm yết chỉ chiếm 1% tổng vốn hóa thị trường.
Vốn hóa 3 sàn và tỷ trọng trên GDP
Nguồn: Fiin Pro, Kirin Capital
Tuy nhiên, chúng ta vẫn chứng kiến những nỗ lực của Chính phủ trong việc phát triển thị trường cổ phiếu và trái phiếu trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn quan trọng cho nền kinh tế. Cụ thể quyết định 368/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đề ra mục tiêu đến năm 2025, quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu sẽ đạt 100% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 20% GDP; đến năm 2030, quy mô vốn hoá thị trường cổ phiếu sẽ đạt 120% GDP, dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt tối thiểu 25% GDP.
Hơn nữa ngoài các kênh tín dụng trong nước, các doanh nghiệp Việt Nam còn có thể trông chờ vào dòng vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài. Năm 2023 ghi nhận mức tăng trưởng 32.1% vốn đăng ký FDI, cho thấy tiềm năng các doanh nghiệp Việt Nam nhận trực tiếp vốn hoặc có thêm cơ hội hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để phục vụ mở rộng sản xuất kinh doanh là rất lớn.
Đầu tư trực tiếp vốn nước ngoài
Nguồn: GSO, Kirin Capital
02 | Áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài
Nguyên nhân thứ hai, các doanh nghiệp Việt Nam thường phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các công ty đa quốc gia lớn và không có ưu thế trong các phương diện sau:
Về các chính sách ưu đãi, các doanh nghiệp nước ngoài thường đầu tư vào các lĩnh vực công nghệ cao nên được hưởng nhiều ưu đãi về tài chính đất đai, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập doanh nghiệp giúp doanh nghiệp dồi dào hơn về nguồn vốn phục vụ cho mục đích sản xuất và mở rộng quy mô.
Về nhân sự, doanh nghiệp nước ngoài tập trung đội ngũ nhân sự có trình độ cao và kinh nghiệm lâu năm ở nước ngoài, ngoài ra thu hút các nhân tài am hiểu thị trường trong nước với mức đãi ngộ hấp dẫn, khiến xác suất doanh nghiệp vừa và nhỏ chiêu mộ được nhân tài trở nên thấp hơn.
Về công nghệ, các doanh nghiệp đa quốc gia thường mang công nghệ tiên tiến trong sản xuất và quản lý vận hành đã thành công ở các thị trường phát triển sang ứng dụng tại Việt Nam, kéo dài khoảng cách với các doanh nghiệp vừa và nhỏ đang loay hoay với máy móc và hệ thống lạc hậu.
Chính vì vậy, chính phủ đang nỗ lực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số với mục tiêu tối thiểu 100,000 doanh nghiệp chuyển đổi thành công vào năm 2025. Cho đến nay, Việt Nam đã 2 năm liên tiếp dẫn đầu Đông Nam Á về tốc độ tăng trưởng kinh tế số.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang nỗ lực trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh bằng việc thay đổi bộ nhận diện, đa dạng hóa sản phẩm và tìm kiếm mở rộng các thị trường nước ngoài tiềm năng nhờ lợi thế ký kết và đàm phán 19 hiệp định thương mại tự do (FTAs) với hơn 60 quốc gia trên thế giới. Điển hình có thể kể đến Vinamilk khi mạnh dạn thay đổi logo sau gần 50 năm phát triển, tập trung sáng tạo và đưa ra các sản phẩm hữu cơ và tốt cho sức khỏe người tiêu dùng. Đến nay Vinamilk đã đưa thương hiệu sữa Việt đến 60 thị trường trên thế giới và thương hiệu thực phẩm có giá trị nhất Đông Nam Á với định giá 3 tỷ USD.
Nguồn: WTO-VCCI, Kirin Capital
03 | Thị trường cạnh tranh khốc liệt
Các ngành nghề ở Việt Nam hầu hết đều là các ngành nghề truyền thống và không có rào cản gia nhập ngành cao. Điều này tạo điều kiện cho nhiều cá thể, tổ chức nhỏ lẻ, không chuyên nghiệp như thương lái, hộ kinh doanh, đại lý,… tham gia kinh doanh và khiến cho thị trường ngày càng cạnh tranh cao. Sự phân mảnh của thị trường hạn chế tiềm năng mở rộng quy mô của doanh nghiệp, khiến bất kỳ doanh nghiệp nào khó có thể thống trị thị trường hoặc đạt được mức tăng trưởng đáng kể.
Ngoài ra, người tiêu dùng Việt Nam quá nhạy cảm về giá cũng như có độ trung thành thấp với thương hiệu khiến các doanh nghiệp đau đầu trong cuộc chiến giá cả cũng như đốt tiền cho việc nhận diện thương hiệu để giữ chân khách hàng và giành thêm thị phần.
Tỷ lệ người tiêu dùng mua sắm ở các cửa hàng khác nhau trong 3 tháng
Nguồn: Euromonitor, McKinsey
Chính vì vậy, Việt Nam những năm gần đây xuất hiện xu hướng các công ty lớn trực tiếp mua lại các công ty khác nhằm nâng cao thị phần hoặc mở rộng sang lĩnh vực mới, tiêu biểu có thể kể đến Masan Group mua lại cổ phần của đơn vị vận hành hệ thống siêu thị VinMart nhằm mở rộng thị phần bán lẻ, Kido Group mua lại cổ phần của bánh bao Thọ Phát nhằm củng cố địa vị trong ngành thực phẩm thiết yếu.
04 | Thiếu hụt nhân sự có kỹ năng về quản lý và chuyên môn kỹ thuật
Sự phát triển của các doanh nghiệp lớn không thể tách rời khỏi những nhân sự có kỹ năng về quản lý và chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, Việt Nam có những hạn chế rõ ràng trong vấn đề này. Theo báo cáo của World Bank, tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông của Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 28.6%, thấp hơn khá nhiều so với các quốc gia thu nhập trung bình cao đạt 55.1%. Chưa kể các chương trình sau phổ thông đang “giảm giá trị”, kỹ năng của nhiều sinh viên tốt nghiệp còn chưa phù hợp với nhu cầu thị trường.
Tỷ lệ nhập học giáo dục sau phổ thông của Việt Nam và một số quốc gia
Nguồn: World Bank
Hiện tại, Việt Nam đang nỗ lực đào tạo và phát triển nhân tài thông qua nhiều chương trình và chính sách nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bao gồm chương trình học bổng chính phủ để gửi sinh viên ra nước ngoài học tập và nghiên cứu, hay hỗ trợ học phí và học bổng từ nhiều doanh nghiệp lớn như Vingroup, FPT, và Vinamilk nhằm phát triển nhân tài trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ và quản trị kinh doanh.
Gần đây nhất vào tháng 9 năm 2023, khi Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đến thăm Việt Nam và bày tỏ mong muốn hợp tác liên quan đến đổi mới sáng tạo, bao gồm phát triển ngành bán dẫn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ngay lập tức xây dựng dự thảo Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành bán dẫn Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với kế hoạch đào tạo 50,000 kỹ sư cho tất cả các khâu của chuỗi giá trị.
05 | Cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện
Cơ sở hạ tầng ở Việt Nam vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề về giao thông vận tải và quản lý chuỗi cung ứng, dẫn đến chi phí hoạt động cao hơn và hoạt động kém hiệu quả, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp địa phương. Theo tính toán của Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, chi phí logistics của Việt Nam trung bình ở mức 17% GDP, cao hơn nhiều so với bình quân chung 10.6% của thế giới.
Chính vì thế, Việt Nam luôn cố gắng đẩy mạnh đầu tư công để cải thiện cơ sở hạ tầng trong nhiều năm qua. Chính phủ luôn đặt ra kế hoạch giải ngân cao hàng năm và chỉ đạo ban ngành hoàn thiện 85 cho đến hơn 100%, kết quả giá trị giải ngân cho đầu tư từ nguồn ngân sách Nhà nước tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 16% cho giai đoạn 2019-2023. Kết quả ban đầu thấy được, theo công bố trong báo cáo Chỉ số Chất lượng toàn cầu (GQII) năm 2023 vào tháng 5/2024, Việt Nam xếp hạng thứ 52/185 các nền kinh tế về chỉ số Cơ sở hạ tầng chất lượng, tăng 2 bậc so với năm 2020.
Tình hình giải ngân vốn ngân sách Nhà nước
Nguồn: GSO, Kirin Capital
06 | Đầu tư R&D còn hạn chế
Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư rất ít vào nghiên cứu và phát triển (R&D). Chính vì vậy, họ lại càng gặp khó khăn trong việc phát triển sản phẩm mới hoặc cải tiến sản phẩm hiện có, điều này hạn chế tiềm năng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh ngay trên “sân nhà” và trên thị trường xuất khẩu quốc tế. Theo báo cáo Hệ sinh thái Đổi mới sáng tạo mở Việt Nam 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0.4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á khi con số này ở Malaysia là 1%, Thái Lan là 1.3%, Singapore là 2.2%.
Thời gian gần đây quyết định thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam của các hãng công nghệ hàng đầu như Samsung, Apple, Marvell, NVIDIA như một hồi chuông cảnh tỉnh các doanh nghiệp trong nước cần thay đổi tư duy và nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư này. Ngoài việc học hỏi công nghệ từ các nước bạn thông qua hợp tác, doanh nghiệp cần phải chủ động hơn trong việc xây dựng đội ngũ nghiên cứu và phát triển của riêng mình. Chúng ta cũng đã chứng kiến các doanh nghiệp lớn ở Việt Nam đi đầu trong việc đầu tư mạnh vào R&D như Vingroup đã thành lập VinAI và VinBigData từ 2018 để nghiên cứu tập trung vào trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn.
Có thể thấy doanh nghiệp Việt Nam gặp một số trở ngại như chúng tôi đề cập phía trên để phát triển thành doanh nghiệp lớn. Tuy nhiên, với sự gia tăng đầu tư quốc tế, cải cách và hỗ trợ của Chính phủ, sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số và tăng cường hợp tác kinh tế khu vực, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển. Thông qua việc không ngừng học hỏi và đổi mới, các doanh nghiệp Việt Nam được kỳ vọng sẽ vượt qua những trở ngại hiện tại, đạt được sự tăng trưởng vượt bậc hơn và từng bước phát triển thành những doanh nghiệp lớn mang tầm quốc tế.
Xem thêm: Kirin Views 41| Câu chuyện lạm phát, lãi suất và tỷ giá nửa cuối năm 2024 – KIRIN CAPITAL