Kirin Views 10 | ESG định hình tương lai ngành dệt may Việt

Kirin Views là series thứ hai của Kirin Capital hướng đến mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”. Chuyên mục cung cấp quan điểm, góc nhìn về thị trường Việt Nam thông qua các nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia đã có hàng chục năm kinh nghiệm. Từ đó, chúng tôi giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những cơ hội tiềm năng mà Việt Nam mang lại, hợp tác cùng phát triển để đạt được mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”.

Tính đến nửa đầu năm 2023, Hàn Quốc hiện đang là quốc gia đầu tư nhiều nhất vào Việt Nam với tổng số vốn lên đến 82 tỷ USD. Trước khi chuyển hướng sang các dự án công nghệ cao như Samsung Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên, Samsung TP. HCM, LG Hải Phòng, Hàn Quốc đã là một “đại bàng” đầu tư ngành dệt may.

Tại Kirin Views kỳ này, chúng ta sẽ tìm hiểu về một trong những doanh nghiệp dệt may nổi bật sở hữu 44,96% vốn Hàn Quốc – TCM (CTCP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công), cũng như bức tranh toàn cảnh ngành công nghiệp dệt may Việt mà trong đó ESG là tâm điểm.

 

 

01 Một trong những doanh nghiệp tiên phong trong ngành dệt may Việt Nam

TCM tiền thân là một doanh nghiệp dệt tư nhân với 500 lao động, hoạt động chính trong lĩnh vực dệt và nhuộm. Sản phẩm của công ty chủ yếu được tiêu thụ ở 2 thị trường lớn là thị trường nội địa phía Nam và thị trường Campuchia.

Năm 1992, TCM có nhà máy sợi đầu tiên. Sau đó, họ bắt đầu sản xuất quần áo, “khoán” toàn bộ quy trình từ thượng nguồn đến hạ nguồn, nhưng phía thượng nguồn chỉ cung cấp được một phần nguyên liệu. Đến hiện tại, TCM đáp ứng khoảng 35% sợi và 85% vải, song đây đã là tỷ lệ hiếm gặp trong ngành.

Vào những năm 1995, áo thun có cổ của TCM là sản phẩm bán chạy nhất trên thị trường. Tuy nhiên theo thời gian, kinh tế dần phát triển đã làm thay đổi xu hướng tiêu dùng của người Việt từ “ăn chắc mặc bền” sang “ăn ngon mặc đẹp”. Sản phẩm của TCM lúc đó không có sự đa dạng về mẫu mã, chất liệu, trong khi các doanh nghiệp khác cũng đua nhau sản xuất áo thun với nhiều màu sắc, mức giá, khiến TCM dần mất khách.

Nhận thấy được hạn chế này, TCM đã nỗ lực xây dựng thương hiệu riêng trong ngành thời trang.

Bà Bùi Thanh Thuỷ, nhà thiết kế tại Viện thời trang Việt Nam Fadin, người tham gia thiết kế và quảng bá thương hiệu cho TCM khi ấy, thẳng thắn chia sẻ: “TCM từng có những cơ hội lớn, nhưng có thể do đầu tư xây dựng thương hiệu riêng tốn nhiều chi phí, cần thời gian lâu dài mới thấy được hiệu quả, không như việc sản xuất và gia công sản phẩm – có thể thấy kết quả ngay, nên họ không tiếp tục đầu tư”.

Về chất lượng quần áo, theo bà Thủy, TCM có gần như đầy đủ các thiết bị để tạo ra loại vải thun (spandex) tốt nhất vào thời điểm đó, nhưng lại thiếu kỹ thuật để đảm bảo sản phẩm không bị mất dáng trong thời gian dài, dẫn đến việc không thể bán với giá cao.

Có thể nói, TCM đã nhận thức từ khá sớm và chính xác về việc thâm nhập vào chuỗi cung ứng, đồng thời cũng đầu tư 4 triệu USD để mua sắm các thiết bị tiên tiến nhất, song do nhiều yếu tố, kết quả không được như mong đợi.

 

 

02 TCM sau khi nhận đầu tư từ E-Land Hàn Quốc

Nhận thấy cần phải có sự tham gia của các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm, TCM đã chuyển thành công ty cổ phần vào năm 2006 và niêm yết trên thị trường vào năm 2007. Đồng thời, TCM tiến hành gọi vốn từ E-Land Asia Holdings (trực thuộc E-Land, một trong những tập đoàn thời trang và bán lẻ lớn nhất Hàn Quốc), để họ trở thành cổ đông và tham gia vào các hoạt động, hoạch định chiến lược của công ty. Vậy, sự gia nhập của E-Land đã mang lại những giá trị gì cho TCM?

Trước hết, dễ nhận thấy nhất là các đơn hàng.

Trong lĩnh vực sợi, E-Land đã mang đến nhiều hợp đồng giá trị từ nước ngoài cho TCM. Trong lĩnh vực dệt kim, E-Land phát triển nguồn khách hàng mới tại Hàn Quốc và nâng cao chất lượng sản phẩm. Trong lĩnh vực may mặc, E-Land đã giúp TCM “mở khóa” thành công thị trường xuất khẩu Trung Quốc và Hàn Quốc.

Khoảng thời gian đầu, 50% đơn hàng của TCM do phía E-Land bao tiêu. Tuy nhiên, sự phụ thuộc đã giảm đi khi có sự tham gia của nhiều thị trường mới, và đến năm 2022, TCM chỉ còn khoảng 20% đơn hàng liên quan đến E-Land.

Về mặt quản lý, E-Land đã bổ nhiệm ông Lee Eun-hong, Giám đốc điều hành đầu tiên người Hàn Quốc, đồng thời tái cấu trúc phòng kinh doanh – xuất khẩu theo từng thị trường (Mỹ, Nhật Bản, Liên minh châu Âu, Hàn Quốc, v.v.) và tuyển dụng các chuyên gia nước ngoài có khả năng phát triển thị trường xuất khẩu. Công ty cũng dần đưa vào sử dụng hệ thống ERP để quản lý chặt chẽ quy trình phân phối đơn hàng, từ khâu nguyên liệu đầu vào đến khi sản phẩm hoàn thiện.

Về mặt nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, E-Land đã dẫn dắt TCM ký kết thỏa thuận hợp tác kỹ thuật với Hyosung Group – một trong bảy tập đoàn thương mại tổng hợp lớn nhất Hàn Quốc vào năm 2013, nhằm nâng cao khả năng nghiên cứu và phát triển của công ty. Năm 2015, TCM thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển, cùng hợp tác với Viện Nghiên cứu và Kiểm định Dệt may Hàn Quốc (KOTITI Global) để kiểm tra chất lượng đầu ra sản phẩm.

Hiện nay, công ty tập trung phát triển ba dòng sản phẩm chính: Dòng sản phẩm tái chế thân thiện môi trường (bao gồm sợi polyester tái chế từ chai nhựa, mía và ngô; sợi visco tái chế từ gỗ và bột giấy; sợi cotton tái chế); Dòng sản phẩm tính năng theo mùa (với các loại vải nhẹ, thấm hút mồ hôi, chống tia cực tím cho mùa xuân hè; các loại vải pha lẫn sợi len và các sợi khác cho mùa thu đông, vừa giữ ấm vừa thoải mái); Dòng sản phẩm tiện dụng cho cuộc sống (chủ yếu là các sản phẩm co giãn, bền bỉ, ứng dụng cao).

Cuối cùng, E-Land muốn áp dụng kinh nghiệm của họ tại Hàn Quốc để phát triển kênh bán lẻ của TCM tại Việt Nam, nhưng theo chúng tôi, họ chưa thành công ở lĩnh vực này. Trong giai đoạn 2010-2011, công ty đã mở 20 cửa hàng tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, nhưng đến hiện tại, đã không còn bất cứ thông tin nào về những cửa hàng này.

 

 

03 Vị thế hiện tại trong ngành

So với các doanh nghiệp khác trong ngành, doanh thu của TCM chỉ ở mức trung bình, nhưng tỷ suất lợi nhuận gộp lại thuộc top 3. Đặc biệt, vào năm 2022 khi giá nguyên liệu tăng mạnh, TCM đã vươn lên dẫn đầu với 16.4% tỷ suất lợi nhuận gộp. Điều này là do TCM được hưởng lợi từ chuỗi cung ứng hoàn chỉnh (bao gồm cả việc mua sắm nguyên liệu và phụ liệu, thiết kế mẫu, sản xuất, đóng gói, là ủi, và vận chuyển sản phẩm), cùng tỷ lệ đơn hàng FOB cao (Free On Board – Xưởng sản xuất chỉ có nhiệm vụ sản xuất hàng hóa và đưa đến điểm tập kết, các chi phí phát sinh như vận chuyển và bảo hiểm sẽ do bên đặt hàng chịu trách nhiệm).

Thứ hai, cơ cấu thị trường xuất khẩu của TCM ít bị ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế vĩ mô toàn cầu so với các doanh nghiệp cùng ngành.

TCM không quá phụ thuộc vào thị trường xuất khẩu của Mỹ và châu Âu (năm 2022 tỷ trọng trên tổng doanh thu lần lượt là 31% và 3%), Hàn Quốc và Nhật Bản là thị trường xuất khẩu quan trọng của công ty, chiếm 32.5% tổng doanh thu. Hai quốc gia này vẫn duy trì tình hình kinh tế tương đối ổn định, đây có thể là động lực chính giúp TCM phục hồi số lượng đơn hàng tốt hơn so với mức trung bình. Theo thông tin công bố từ TCM, doanh nghiệp đã nhận được 77% kế hoạch đặt hàng cho quý III và 75% kế hoạch đặt hàng cho năm 2023.

Thứ ba, với tư cách là một doanh nghiệp được hưởng lợi từ Hiệp định Thương mại tự do, đồng thời cũng là một trong số ít doanh nghiệp sở hữu chuỗi cung ứng tương đối hoàn chỉnh, TCM có khả năng đáp ứng yêu cầu về xuất xứ vải, thậm chí sợi cao hơn so với các doanh nghiệp khác. Điều này không chỉ cho phép TCM nhận được mức thuế ưu đãi, mà còn thúc đẩy các công ty xuất khẩu sang châu Âu khác mua vải từ Việt Nam, trong đó có TCM, để hưởng ưu đãi về thuế quan.

 

 

04 ESG là điểm tăng trưởng quan trọng

TCM luôn muốn thử nghiệm mở rộng thị trường bán lẻ để tạo bước đột phá về doanh thu, trước là thông qua các kênh offline, nay là thông qua các kênh online.

Năm 2020, TCM ra mắt nhãn hiệu thời trang ONLEE, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Mỹ thông qua kênh thương mại điện tử Amazon (nhưng hiện đã ngừng bán – hình bên dưới). Ngoài ra, công ty cũng đã ra mắt website thương mại điện tử DE CLOSET, chuyên bán quần áo của các thương hiệu khác, nhưng việc cạnh tranh với Shopee và Lazada không dễ dàng. Do đó, chúng tôi cho rằng việc phát triển kênh bán lẻ trực tuyến không phải là điểm đột phát mới của TCM, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Cửa hàng TCM ONLEE trên Amazon

Kirin Capital cho rằng điểm tăng trưởng chính của TCM chủ yếu tập trung vào hai khía cạnh sau đây:

1. Tăng sản lượng nguyên phụ liệu, đặc biệt là vải.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, cựu Chủ tịch Hiệp hội Bông Sợi Việt Nam (VCOSA), nếu đi sâu vào từng khâu của ngành dệt may, ta sẽ thấy vấn đề nằm ở khâu giữa, tức là ngành sợi và may mặc phát triển mạnh, nhưng chất liệu vải đang chững lại. Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), hơn 50% sản lượng vải vẫn phải nhập khẩu. Vì vậy, việc tăng sản lượng vải không chỉ phục vụ nhu cầu của bản thân TCM mà còn kéo theo đơn đặt hàng của các doanh nghiệp khác trong nước và doanh nghiệp nước ngoài muốn hưởng ưu đãi về thuế.

2. Chú trọng vào vấn đề xanh hóa chuỗi giá trị công nghiệp

Các nước phát triển, đặc biệt là các nước châu Âu, đang ngày càng nâng cao tiêu chuẩn đối với các sản phẩm may mặc, bao gồm áp thuế carbon đối với hàng nhập khẩu và yêu cầu vải phải xuất xứ từ Việt Nam hoặc Liên minh châu Âu. Đồng thời, Bangladesh – quốc gia xuất khẩu hàng dệt may lớn thứ hai thế giới – đang ngày càng tập trung vào thực hiện trách nhiệm môi trường, xã hội và quản trị (ESG), đây cũng là nguyên nhân cơ bản khiến ngành dệt may Việt Nam dần mất đi lợi thế cạnh tranh. Chủ tịch TCM cũng nhận thức rõ điều này và cho biết doanh nghiệp đã triển khai ESG từ lâu, nhưng hiện tại sẽ tích cực đẩy nhanh tiến độ để đáp ứng nhu cầu của khách hàng.

Ngay khi vào trang web chính thức của công ty, bạn có thể thấy dữ liệu cập nhật hàng ngày liên quan đến việc bảo vệ môi trường

Kirin Capital là công ty đầu tư vốn cổ phần có trụ sở tại Hà Nội, tập trung vào nghiên cứu và đầu tư tại Việt Nam. Các thành viên chủ chốt của công ty có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Trung Quốc và hơn 10 năm kinh nghiệm đầu tư thực tế tại Việt Nam. Công ty đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tiêu dùng, sản xuất, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, và nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời, công ty cũng đầu tư vào tất cả các giai đoạn đầu tư vốn cổ phần bao gồm đầu tư hạt giống, đầu tư rủi ro, đầu tư vốn tư nhân, đầu tư vào công ty niêm yết và đầu tư mua lại.

Với tầm nhìn “Know Vietnam, Long Vietnam”, thông qua kinh nghiệm tài chính phong phú và các nguồn lực địa phương, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành người tiên phong dẫn đường cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại Việt Nam, cùng nhau chia sẻ lợi ích từ sự phát triển nhanh chóng mà Việt Nam mang lại.

Nếu bạn có bất kỳ yêu cầu nào về thị trường Việt Nam hoặc muốn tham gia chương trình Kirin Views của chúng tôi để chia sẻ các thông tin về thị trường Việt Nam và lan tỏa tiếng nói của bạn một cách rộng rãi, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại ĐÂY