Biến đổi khí hậu đã đang và sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với sự sống con người trên trái đất. Rất nhiều tổ chức quốc tế, chính phủ các nước đã có những chương trình hành động nhằm ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu. “ Xu hướng xanh” sẽ là xu hướng tất yếu trong tương lai, trong đó sự chuyển dịch năng lượng hóa thạch (than, đá…) sang năng lượng tái tạo (gió, mặt trời…) ngày càng mạnh mẽ hơn.
01 | Việt Nam tiếp tục cam kết thực hiện phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050
Ngành năng lượng tái tạo Việt Nam có tiềm năng tăng trưởng ổn định và dài hạn khi Việt Nam tiếp tục cam kết thực hiện phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại Hội nghị Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 28 (Hội nghị COP 28). Việt Nam – một đất nước đang phát triển và là một trong những nước chịu ảnh hưởng lớn bởi biến đổi khí hậu đã có những giải pháp chuyển dịch sang năng lượng tái tạo trong vài năm trở lại đây.
Cụ thể, tổng công suất lắp đặt và tỷ trọng điện năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời) có xu hướng tăng mạnh trong những năm gần đây. Năm 2023, tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) là 21.664 MW, chiếm tỷ trọng 26,9%; năm 2022 là 20.165 MW, chiếm tỷ trọng 26,4% trong khi đó, năm 2019, con số này chỉ chiếm tỷ trọng 15,1%. Kirin Capital ước tính, năm 2024, tỷ trọng công suất điện tái tạo sẽ chiếm khoảng 28% tổng công suất nguồn điện do có thêm khoảng 1,500 – 2,000 MW từ các dự án chuyển tiếp.
Tỷ trọng công suất năng lượng tái tạo trên tổng công suất nguồn điện
Nguồn: EVN, Kirin Capital ước tính
02 | Quy hoạch điện 8 là động lực lớn của ngành năng lượng tái tạo
Quy hoạch điện 8 được coi là động lực tăng trưởng mạnh mẽ và bền vững đối với ngành năng lượng tái tạo khi Quy hoạch điện 8 nhấn mạnh việc ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, nhất là điện mặt trời, điện gió trong giai đoạn tới. Cụ thể, tới năm 2030 tỷ trọng năng lượng tái tạo chiếm 31-39% và con số này tăng lên tới khoảng 67.5% – 71.5% vào năm 2050. Trong đó, đến năm 2030 điện gió được ưu tiên phát triển mạnh mẽ so với công suất hiện tại do dư địa phát triển còn lớn so với điện mặt trời. Công suất điện gió sẽ tăng lên 27.880 MW vào năm 2030 – gấp 6,75 lần hiện nay. Với điện mặt trời, do công suất lắp đặt điện mặt trời hiện tại đã tiệm cận kế hoạch tới năm 2030, quy mô cũng lên đến 20.591 MW vào năm 2030 tăng khoảng 3.645 MW tương đương 21.5%.
Kirin Capital đánh giá tích cực đối với ngành năng lượng tái tạo trong năm 2024 – 2025. Quy hoạch điện 8 được thông qua đã cho thấy động lực tăng trưởng bền vững và dài hạn đối với năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, hiện tượng El Nino dự báo sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ trong năm 2024 với xác xuất khoảng 70 – 80% cũng sẽ góp phần đẩy mạnh huy động từ năng lượng tái tạo qua đó ảnh hưởng tích cực tới các doanh nghiệp năng lượng tái tạo.
Chúng tôi cho rằng, các doanh nghiệp đang sở hữu lợi thế dài hạn từ các dự án vận hành trước và được hưởng giá bán cao (Fit 1 và Fit 2) sẽ góp phần tích cực tới KQKD. Đồng thời, dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) tới Phố Nối (Hưng Yên) đang gấp rút triển khai và dự kiến đưa vào vận hành trong tháng 6 năm 2024 cũng sẽ góp phần tăng truyền tải điện năng lượng tái tạo từ miền Trung và Nam ra miền Bắc. Chúng tôi ưu tiên những doanh nghiệp, có dòng tiền dương, kết quả kinh doanh tăng đều qua các năm và đặc biệt đòn bẩy tài chính thấp (nợ vay/TTS khoảng 50%). Ngoài ra, Kirin Capital cũng lưu ý một số dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với giá bán điện thấp hơn so với 2 lần ưu đãi trước cũng sẽ ảnh hưởng tới hiệu quả dự án và dòng tiền của doanh nghiệp. Khuôn khổ pháp lí và chính sách mua điện đối với các dự án mới chưa có cũng sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch đầu tư của một số doanh nghiệp tái tạo.
Kirin Views là series thứ hai của Kirin Capital hướng đến mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”. Chuyên mục cung cấp quan điểm, góc nhìn về thị trường Việt Nam thông qua các nghiên cứu chuyên sâu được thực hiện bởi đội ngũ chuyên gia đã có hàng chục năm kinh nghiệm. Từ đó, chúng tôi giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những cơ hội tiềm năng mà Việt Nam mang lại, hợp tác cùng phát triển để đạt được mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”.