Trong tháng 3 vừa qua, thị trường startup toàn cầu đã chấn động khi startup công nghệ giáo dục Byju’s – một hiện tượng thay đổi nền giáo dục của Ấn Độ, được định giá 22 tỷ USD, đã thực hiện bỏ phiếu phế truất nhà sáng lập Byju Raveendran khỏi ghế CEO.
Byju’s có một quá khứ rất huy hoàng. Startup này ra đời với mục đích giúp sinh viên vượt qua các kỳ thi tuyển sinh, đặc biệt là thi đại học khắc nghiệt tại Ấn Độ. Nhờ đó, ngay từ khi bắt đầu, Byju’s đã nhanh chóng thu hút sự chú ý. Năm 2012, Byju’s nhận được khoản đầu tư đầu tiên từ Aarin Capital có trụ sở tại Bangalore. Năm 2015, ứng dụng học tập Byju’s ra mắt. Ngay khi giới thiệu cho Sequoia Capital India tại văn phòng ở Mumbai, quỹ này lập tức bị thuyết phục và rót vốn 25 triệu USD. Sau khi Sequoia, rót vốn, Byju’s tiếp tục huy động được 140 triệu USD một năm sau đó. Công ty này còn nhận được sự quan tâm của quỹ Chan Zuckerberg Initiative do vợ chồng Mark Zuckerberg đứng sau, nhưng không rõ số tiền đầu tư là bao nhiêu. Tổng số tiền góp vốn nhận được là 5 tỷ USD đến từ 79 nhà đầu tư trên khắp thế giới.
Mức định giá năm 2022 của Byju là 22 tỷ USD dựa trên 2 yếu tố: câu chuyện khởi nghiệp vô cùng truyền cảm hứng của founder Byju Raveendran và mô hình kinh doanh Edtech còn nhiều dư địa phát triển.
01 | Câu chuyện khởi nghiệp vô cùng truyền cảm hứng của founder Byju Raveendran
Founder Raveendran được mệnh danh là Á thần (Demi-god) trong làng khởi nghiệp Ấn Độ bắt nguồn từ câu chuyện vượt qua nghèo khó để làm giàu. Raveendran lớn lên tại một ngôi làng ở ven biển Kerala, và theo học tại trường địa phương nơi cha anh dạy vật lý và mẹ anh dạy toán. Raveendran được coi là một thiên tài toán học từ khi còn bé. Sau đại học, Raveendran chuyển đến Anh để làm kỹ sư nhưng thường xuyên giúp đỡ bạn bè ở quê nhà ôn tập cho kỳ thi đầu vào Học viện Quản lý Ấn Độ (IIM), một ngôi trường thuộc hàng top cả nước và nổi tiếng về độ cạnh tranh đầu vào.
Sau khi quyết định chuyển về Ấn Độ và mở lớp học, lớp học đầu tiên của Raveendran ở Bengaluru năm 2000 có 40 học sinh. Đến năm 2005, con số này đã tăng lên đến 1.000 người. Khi số lượng học sinh quá tải, Raveendran đã phải chuyển lớp học ra sân vận động và chiếu bài giảng lên màn hình khổng lồ cho hàng nghìn học sinh. Không thể phủ nhận cách truyền đạt trong giảng dạy của Raveendran vô cùng hấp dẫn và tạo động lực cho học sinh, khiến tiếng tăm của ông ngày càng lan rộng. Những nguyên tắc cốt lõi tạo nên tên tuổi của Raveendran trong truyền đạt và giảng dạy là:
- Động lực tự thân: Raveendran tập trung vào việc khơi gợi niềm đam mê với học tập. “Say mê học tập” (Fall in love with learning) được chọn làm khẩu hiệu cho lớp học của Byju. Những bài giảng của Byju đều ưu tiên giải quyết từ gốc rễ, và kết hợp với những phương pháp giảng dạy đa dạng, không cứng nhắc như cách giảng truyền thống. Ví dụ kết hợp với hình ảnh minh họa, lồng ghép lời bài hát, kể chuyện… qua đó giúp giảm áp lực học tập và giúp học sinh thích học hơn.
- Sự tò mò: Byju luôn khuyến khích học sinh phân tích vấn đề và học cách đặt câu hỏi hay chính là việc “thực học”, học để hiểu hơn là học vẹt. Tại Ấn Độ, lớp học của Byju nổi tiếng đến mức “học như Byju” đã trở thành cụm từ đối nghịch với “học vẹt”.
- Nghệ thuật trình diễn: Byju đã nâng tầm những bài giảng lên thành những buổi trình diễn. Thay vì phải học “chay” các khái niệm trừu tượng, khó hiểu, Byju dùng công nghệ để giảng bài trực quan, sinh động và phù hợp với bối cảnh sẽ khiến bài học thú vị và dễ hiểu hơn. Raveendra coi bản thân khi đứng trên bục giảng là một người nghệ sĩ thay vì đơn thuần là một giáo viên, chính vì vậy cách truyền đạt của ông tới học sinh vừa thú vị vừa dễ hiểu.
02 | Mô hình kinh doanh Edtech còn nhiều dư địa phát triển
Mô hình kinh doanh của Byju là Edtech, một mô hình cực kỳ tiềm năng với ước tính giá trị khoảng 1 nghìn tỷ USD năm 2030 tại Ấn Độ (theo Temasek). Bên cạnh đó là dân số lớn nhất thế giới của Ấn Độ (khoảng 1.4 tỷ người) đã giúp Byju vẽ lên bức tranh tăng trưởng đầy hứa hẹn.
Năm 2015, Raveendran đã số hóa doanh nghiệp của mình, tung ra một ứng dụng tự học tập trung vào các môn chính là Toán, Tiếng Anh, và khoa học cho học sinh tiểu học. Byju’s Classes cũng phát triển thêm mảng GMAT, IAS, JEE, CAT,…., đây là những bài thi xét tuyển đầu vào của các trường đại học và cao đẳng ở Ấn Độ.
Tháng 3/2020, khi đại dịch Covid 19 đã khiến 1.5 triệu trường học ở Ấn Độ phải đóng cửa cách ly, Raveendran đã gây được ấn tượng tốt với phụ huynh khi anh cung cấp ứng dụng học trực tuyến Byju’s miễn phí cho hàng triệu học sinh. Chính động thái này đã giúp Byju có được sự tin tưởng và ưu ái của phụ huynh lẫn giáo viên trong đại dịch và cả sau đại dịch.
Giai đoạn từ 2018-2022, Byju đã đạt 115 triệu người dùng, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm đạt 51%. Mô hình của Byju’s là cho phép người dùng trải nghiệm và làm quen với ứng dụng, sau đó khi muốn truy cập toàn bộ bài giảng của khóa học, Byju’s sẽ thu phí từ 150USD/năm. Tính đến 2022, tổng số người đăng kí trả phí là 7.5 triệu người, doanh thu đạt khoảng 1.2 tỷ USD. Nếu chỉ cần khai thác hết tiềm năng của những tài khoản đã mở, chưa tính những tài khoản mở mới, doanh thu của Byju’s ước tính có thể đạt tới 115 triệu x 150$= 17.25 tỷ USD (khoảng 414 nghìn tỷ VND/năm). Với bức tranh kinh doanh đầy tiềm năng này, và mức định giá 22 tỷ đô vào 2022 đã khiến các nhà đầu tư không ngần ngại mà rót vốn cho kỳ lân Edtech này.
Qua quá khứ của Byju, chúng ta có thể nhận thấy mô hình cho những startup thành công bao gồm:
- Sự chăm chỉ chịu khó và ý chí vươn lên của Founder là điều tạo nên sức hút ban đầu,
- Sự nhanh nhạy trong nắm bắt nhu cầu và vấn đề cần được giải quyết của thị trường để cung cấp 1 sản phẩm dịch vụ tương ứng,
- Nghệ thuật truyền đạt và marketing “không đồng” tạo nên sự khác biệt và giá trị lâu dài,
- Mô hình kinh doanh tiềm năng và phù hợp xu thế phát triển của nền kinh tế,
Nhưng sự thành công của Byju’s không kéo dài lâu. Với nhiều nguyên nhân, hiện tượng kỳ lân một thời đã đứng bên bờ vực sụp đổ và trở thành lời cảnh tỉnh cho mọi startup. Nguyên nhân ấy được dễ dàng nhìn thấy trong quá trình hoạch định tài chính cũng như kế hoạch kinh doanh của kỳ lân này.
03 | Gian dối trong công bố số liệu tài chính
Byju’s đã trì hoãn 18 tháng không công bố báo cáo tài chính kiểm toán 2020-2021, mãi tới tháng 9/2022 mới công bố. Báo cáo kiểm toán của Deloitte đã chỉ ra những gian dối trong công bố thông tin của Byju:
- Giai đoạn 2020-2021 Byju’s đã có khoản lỗ nửa tỷ USD, nhưng CEO Byju đã quảng bá thời kỳ này là lúc bùng nổ doanh thu của Byju, thực tế công ty đã ghi nhận cả những khoản doanh thu trên giấy hoặc chưa được thanh toán. Năm 2021 doanh thu thực tế sau kiểm toán chỉ ở mức 277 triệu đô, đi ngang so với 2020, thế nhưng Raveendran đã báo cáo khống con số lên 1.2 tỷ đô để nâng định giá công ty.
- Chi phí tiếp thị, chi phí thu mua đối thủ quá lớn khiến hãng lỗ nặng nhưng lại bị CEO che giấu và lừa dối các nhà đầu tư.
04 | Chiến thuật bán hàng phi đạo đức và giá thành không đi đôi với chất lượng
Các nhân viên của Byju’s cho biết họ bị ép doanh số và bị buộc phải dùng mọi thủ đoạn, chiêu trò để bán hàng trong khi chất lượng sản phẩm, dịch vụ không như quảng cáo.
- Các nhân vân bị bắt ép phải thuyết phục khách hàng bán xe, cầm cố đồ trang sức, vay mượn,… để đăng kí khóa học, mặc dù họ biết rằng chất lượng không như những hứa hẹn được quảng cáo. Chính vì vậy rất nhiều nhân viên đã không chịu được mà phải nghỉ việc.
- Trong thời kỳ đại dịch, khi mọi người đang chật vật tìm giường bệnh, đứng trước cửa tử nhưng họ vẫn phải liên tục gọi điện làm phiền để bán khóa học.
Không chỉ vậy, Byju còn tiêu tốn rất nhiều tiền để thuê những người nổi tiếng về marketing, tạo dựng thương hiệu vô cùng “phông bạt” để lấy lòng tin của khách hàng. Chính điều này đã khiến chi phí bán hàng và marketing ngốn hết sạch doanh thu của Byju.
05 | Theo đuổi mục tiêu kiếm tiền thông qua huy động vốn thay vì phát triển sản phẩm cốt lõi
Trong giai đoạn 2021-2022, Byju’s đã mua lại 20 công ty giáo dục của Ấn Độ và nước ngoài, tổng giá trị đầu tư lên đến 2.8 tỷ đô. Việc mua lại các công ty con sẽ giúp Byju’s đẩy doanh thu qua đó định giá của công ty cũng tăng phi mã. Byju’s hướng tới IPO. Chính vì vậy, công ty này chú trọng vào đẩy mạnh hoạt động huy động vốn hơn là chú trọng phát triển sản phẩm cốt lõi. Thay vì dùng các khoản vốn huy động được để phát triển sản phẩm, cải thiện trải nghiệm khách hàng và gia tăng lợi nhuận, thì Byju’s lại đi theo con đường đẩy mạnh doanh thu và thương hiệu, dẫn tới các chi phí từ mua các công ty con và marketing đã khiến công ty không thể có lãi.
Qua đây, chúng ta cũng thấy lỗ hổng trong định giá các doanh nghiệp startup trên thị trường hiện nay. Thông thường việc đinh giá sẽ dùng phương pháp EV/Sales (Sales là doanh thu, EV là giá trị doanh nghiệp), vậy nên doanh thu càng cao định giá càng cao. Nhưng bản chất bên trong lại không hề lành mạnh như doanh thu được thể hiện ra bên ngoài. Chính lỗ hổng này đã giúp Byju’s đạt được mức định giá đáng kinh ngạc, 22 tỷ đô vào 2020. Để đạt mức định giá này, CEO đã nói khống con số doanh thu lên 1 tỷ đô và nhân với chỉ số multiple EV/Sales của Byju tại thời điểm đó khoảng 22x.
Các startup nên tập trung vào phát triển giá trị cốt lõi là những sản phẩm mang lại doanh thu và lợi nhuận, thay vì chạy theo ảo mộng định giá tỷ đô. Những con số trong định giá cần được thông qua các bên kiểm định và kiểm toán thay vì chỉ nghe từ CEO và quá tin tưởng vào những chiếc bánh vẽ. Đồng thời, doanh nghiệp phát triển và tăng trưởng định giá quá nhanh sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro nhất là trong ngành đầu tư private equity, nơi mà thông tin không được minh bạch như các công ty đã niêm yết.