Kirin Talks 02 | Điểm bế tắc trong sản xuất cần cẩu tự động tại Việt Nam

Kirin Talk là sáng kiến của Kirin Capital nhằm hướng đến mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”. Chuyên mục này cung cấp những thông tin thực tế về tất cả các khía cạnh của thị trường Việt Nam thông qua các buổi phỏng vấn chuyên sâu cùng doanh nhân địa phương. Từ đó, chúng tôi giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước hiểu rõ hơn về những cơ hội tiềm năng mà Việt Nam mang lại, đồng thời thúc đẩy việc kết nối các nguồn lực từ bên trong và bên ngoài, cùng hợp tác để đạt được mục tiêu “Know Vietnam, Long Vietnam”.

Những năm gần đây, các quốc gia Đông Nam Á đang thu hút nhiều sự chú ý trong việc phát triển các ngành công nghiệp “mũi nhọn”: Singapore với ngành vận tải biển và tài chính, Indonesia với Internet và khoáng sản, Thái Lan với du lịch và tiêu dùng, và Việt Nam với ngành công nghiệp sản xuất, chế tạo nổi bật.

Một số người cho rằng Việt Nam có thể trở thành công xưởng sản xuất tiếp theo sau Trung Quốc và cạnh tranh trực tiếp với ngành công nghiệp sản xuất của Trung Quốc, trong khi số khác tin rằng ngành công nghiệp sản xuất của Việt Nam và Trung Quốc có thể bổ trợ cho nhau. Vấn đề cốt lõi cần quan tâm là triển vọng của tuyến công nghiệp sản xuất và nâng cấp công nghệ tại Việt Nam hiện nay.

Chúng tôi đánh giá việc hình thành tuyến công nghiệp, phát triển tự động hóa và gia tăng chuỗi giá trị của ngành công nghiệp sản xuất Việt Nam là thách thức trong tương lai ngắn và trung hạn (5 năm). Điểm bế tắc chính là quy mô và nhu cầu của thị trường địa phương.

Trong số Kirin Talks tuần này, chúng tôi đã ghé thăm công ty sản xuất cơ khí Thái Long tọa lạc tại tỉnh Hưng Yên. Được thành lập vào năm 2014, Thái Long là nhà sản xuất, lắp đặt và phân phối cầu trục, cần cẩu giàn, máy kéo, máy nâng, máy hút chân không, xe điện sàn phẳng và phụ kiện liên quan.

Thái Long tập trung chủ yếu vào loại cần cẩu nhỏ, thường được sử dụng trong các nhà máy thủy điện và xưởng luyện kim, cũng như các doanh nghiệp sản xuất nhựa bao gồm đồ chơi, điện tử tiêu dùng và các ngành công nghiệp khác.

Trong quá trình phỏng vấn, chúng tôi đã thảo luận về tình hình thị trường cần cẩu hiện nay và triển vọng sản xuất tự động hóa tại Việt Nam. Dưới đây là những nội dung nổi bật của buổi phỏng vấn này:

 

01 Động cơ chủ yếu nhập khẩu từ Trung Quốc

Kirin Capital: Khách hàng chủ yếu của công ty hiện tại là các doanh nghiệp Việt Nam hay Trung Quốc?

Thái Long: Nhìn chung, khách hàng chủ yếu của chúng tôi là các công ty Việt Nam. Mặc dù có nhiều công ty Trung Quốc xây nhà máy ở Việt Nam trong những năm gần đây, nhưng nhu cầu của họ không cao. Ví dụ, họ có thể đặt một đơn hàng trị giá từ 100 – 200.000 USD một lần, nhưng lại không có đơn hàng trong vài năm tiếp theo.

Có thể nói rằng nhu cầu của khách hàng Việt Nam ổn định hơn. Ví dụ, các nhà máy sản xuất thép địa phương có nhu cầu về cần cẩu từ công tác chuẩn bị và kiểm tra đến sản xuất và vận hành sau khi kiểm tra. Hiện nay, đơn hàng sản xuất thép chiếm khoảng 30%, và nhà máy thủy điện chiếm khoảng 10%.

Kirin Capital: Tình hình kinh doanh của công ty hiện nay như thế nào?

Thái Long: Hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã có những tín hiệu tích cực hơn trong năm nay, với khoảng mười hoặc hai mươi đơn vị được sản xuất mỗi tháng. Trong nửa cuối năm ngoái, chỉ có một số đơn vị được sản xuất vào tháng 7 và tháng 8.

Mặt khác, thị trường bất động sản Việt Nam đi xuống trong nửa cuối năm ngoái đã tác động đến hoạt động của các nhà máy sản xuất thép – vốn là khách hàng chính của chúng tôi, do đó chúng tôi cũng bị ảnh hưởng.

Kirin Capital: Các động cơ và vật liệu đầu vào cần thiết để lắp đặt cần cẩu được sản xuất tại Việt Nam hay nhập khẩu từ Trung Quốc?

Thái Long: Các động cơ chủ yếu được nhập khẩu từ Trung Quốc với lựa chọn đa dạng hơn và giá thành rẻ hơn. Ví dụ, động cơ 3 pha thường được sử dụng tại Việt Nam đắt hơn 30-40% so với Trung Quốc. Ngay cả khi trừ đi các chi phí logistics, giá thành vẫn đắt hơn 20-30%.

Tuy nhiên, một số vật liệu vẫn được xử lý ngay tại Việt Nam, ví dụ như thép hình. Việt Nam áp dụng mức thuế chống bán phá giá 20% đối với thép hình nhập khẩu, tương đương 17 triệu VNĐ/tấn bao gồm cả thuế, trong khi đó ở Trung Quốc là 13,5 triệu VNĐ/tấn. Tuy nhiên, khi xem xét các vấn đề về hải quan và logistics, mua sắm địa phương vẫn đem lại hiệu quả tối ưu hơn.

 

02 Sản xuất tự động hóa ở Việt Nam còn nhiều thách thức

Kirin Capital: Những doanh nghiệp hàng đầu trong ngành cần cẩu Việt Nam hiện nay là ai?

Thái Long: Dẫn đầu vẫn là các doanh nghiệp Việt Nam như Vinalift và AVC. Bên cạnh đó, các sản phẩm của KONE CRANE và DEMAG tuy được bán trong nước nhưng họ sẽ không xây dựng nhà máy tại đây. Nhìn chung, sự lựa chọn của thị trường cần cẩu Việt Nam khá đa dạng.

Kirin Capital: Thái Long đánh giá thế nào về quy mô thị trường cần cẩu tại Việt Nam?

Thái Long: Chúng tôi cũng được coi là một doanh nghiệp khá lớn tại Việt Nam với sản lượng hàng tháng của các cần cẩu nhỏ đạt khoảng 10-20 đơn vị. Tuy nhiên, khi so sánh với những nhà máy cần cẩu thông thường ở Trung Quốc, sản lượng hàng tháng của họ thường tính bằng hàng trăm đơn vị. Nhìn chung, sản lượng vẫn được xác định bởi nhu cầu. Các đơn đặt hàng cho việc mua hàng trăm cần cẩu một lần ở Trung Quốc rất phổ biến, nhưng khá khó khăn để tìm được đơn hàng mua vài chục cần cẩu một lần tại Việt Nam. Có thể nói rằng, quy mô thị trường Việt Nam còn khá nhỏ, gây khó khăn trong việc sản xuất tự động hóa.

Kirin Capital: Ông có thể giải thích thêm về vấn đề này không? 

Thái Long: Lấy mảng cần cẩu nhỏ làm ví dụ: sản xuất tự động hóa yêu cầu một khoản chi rất lớn trong việc mua bộ thiết bị sản xuất. Để tận dụng bộ thiết bị này, cần có hai điều kiện cơ bản: thứ nhất là sản lượng sản xuất đủ lớn; thứ hai là sản phẩm được sản xuất phải đạt tiêu chuẩn, nếu các tham số phải tùy chỉnh nhiều lần thì tự động hóa là vô nghĩa. Tuy nhiên, hiện hai điều kiện này đang gặp một số vấn đề tại Việt Nam.

Đầu tiên, để có sản lượng lớn, phải có nguồn cầu lớn. Tuy nhiên, cơ sở hạ tầng và sản xuất công nghiệp tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển. Mặt khác, quy mô sản xuất cũng bị giới hạn, đẫn đến nhu cầu từ hạ nguồn không đủ.

Thứ hai, các sản phẩm phải đạt tiêu chuẩn – điều này cũng không dễ thực hiện tại Việt Nam.

Hãy lấy ngành của chúng tôi làm ví dụ. Các tình huống ứng dụng cho các cần cẩu nhỏ hầu hết là các công ty sản xuất trong các khu công nghiệp, nhưng vì các chủ sở hữu khu công nghiệp của Việt Nam thường có nguồn vốn hạn chế, diện tích họ thuê không lớn lắm. Ngoài ra, trong quy định cũng thiếu các tiêu chuẩn rõ ràng cho việc phân chia đất trong các khu công nghiệp, do đó các khối nội bộ của các khu công nghiệp thường được chia thành các hình dạng không đều. Đất tốt được sử dụng bởi các nhà máy lớn, và các nhà máy thông thường chỉ có thể sử dụng một số lô đất dài từ 2000 – 3000 mét vuông.

Ngoài ra, Việt Nam không có tiêu chuẩn thống nhất cho kích thước cần cẩu, trong khi Nhật Bản, Châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc đều có các tiêu chuẩn riêng của họ. Điều này khiến cho việc sản xuất các sản phẩm tiêu chuẩn trở nên khó khăn.

Sự suy giảm nhu cầu từ hạ nguồn và mức độ tùy chỉnh cao làm cho việc thực hiện sản xuất tự động hóa, tiêu chuẩn hóa trở nên khó khăn tại Việt Nam hiện nay.

 

03 Quy mô là điểm bế tắc

Kirin Capital: Ông nghĩ còn sự khác biệt nào khác giữa ngành cần cẩu ở Việt Nam và Trung Quốc không?

Thái Long: Ở Trung Quốc, cần có giấy phép thiết bị đặc biệt để hoạt động trong ngành này, nhưng ở Việt Nam thì không. Bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào ngành dẫn đến việc cạnh tranh khốc liệt. Bên cạnh đó, tỷ suất lợi nhuận cũng thấp hơn so với Trung Quốc do chi phí mua hàng cao hơn.

Ngoài việc một số động cơ, vật liệu đầu vào tại Việt Nam không có sẵn và phải đặt mua từ Trung Quốc, việc đàm phán giá cũng khó khăn hơn do quy mô mua hàng nhỏ. Ví dụ, thương hiệu cần cẩu Việt Nam AVC chỉ mua vài trăm tấn thép mỗi tháng, trong khi các nhà máy cần cẩu lớn hơn ở Trung Quốc mua hơn một trăm nghìn tấn thép mỗi tháng.

Kirin Capital: Ông nghĩ gì về tương lai của ngành sản xuất Việt Nam, chẳng hạn như triển vọng nâng cấp công nghiệp?

Thái Long: Tôi nghĩ rằng vấn đề lớn nhất nằm ở quy mô, và cụ thể là nhu cầu của thị trường nội địa. Do nhu cầu hạn chế, việc hình thành vùng công nghiệp và quá trình nâng cấp công nghiệp sẽ rất chậm.

Ví dụ, để sản xuất giảm tốc, cần quá trình gia công bánh răng, và quá trình gia công bánh răng lại cần thép tròn. Tuy nhiên, ở Việt Nam không có nhiều doanh nghiệp sản xuất thép tròn vì nhu cầu địa phương về thép tròn rất nhỏ và không có động lực để thành lập một nhà máy sản xuất thép tròn. Do đó, chúng ta vẫn phải nhập khẩu từ Trung Quốc.

Tương tự, đối với những chiếc cần cẩu nhỏ yêu cầu dùng máy kéo điện, do nhu cầu thấp (các nhà cung cấp trong nước sản xuất chỉ hơn 1.000 chiếc mỗi tháng, có thể sử dụng trong vài tháng tại Việt Nam), nên mua hàng trực tiếp từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc hoặc châu Âu sẽ tiết kiệm chi phí hơn là xây dựng một nhà máy sản xuất trong nước.

Do nhu cầu nội địa nhỏ, sản xuất trong nước không tối ưu bằng nhập khẩu trực tiếp. Trong trường hợp này, chuỗi sản xuất công nghiệp khó phát triển và có thể sẽ tiếp tục ở trạng thái “phân xưởng lắp ráp” trong ngành công nghiệp chế biến và sản xuất trong một thời gian dài.

Kirin Capital là một công ty đầu tư vốn cổ phần có trụ sở tại Hà Nội, tập trung vào nghiên cứu và đầu tư tại Việt Nam. Các thành viên chủ chốt của công ty có hơn 20 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực tài chính tại Trung Quốc và hơn 10 năm kinh nghiệm đầu tư thực tế tại Việt Nam. Công ty đầu tư vào các lĩnh vực như công nghệ thông tin, tiêu dùng, sản xuất, chăm sóc sức khỏe, dịch vụ tài chính, và nhiều lĩnh vực khác. Đồng thời, công ty cũng đầu tư vào tất cả các giai đoạn đầu tư vốn cổ phần bao gồm đầu tư hạt giống, đầu tư rủi ro, đầu tư vốn tư nhân, đầu tư vào công ty niêm yết và đầu tư mua lại.

Với tầm nhìn “Know Vietnam, Long Vietnam”, thông qua kinh nghiệm tài chính phong phú và các nguồn lực địa phương, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành người tiên phong dẫn đường cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia đầu tư tại Việt Nam, cùng nhau chia sẻ lợi ích từ sự phát triển nhanh chóng mà Việt Nam mang lại.

Nếu bạn có bất kỳ yêu cầu nào về thị trường Việt Nam hoặc muốn tham gia chương trình Kirin Talks của chúng tôi để chia sẻ các thông tin về thị trường Việt Nam và lan tỏa tiếng nói của bạn một cách rộng rãi, xin vui lòng liên hệ với chúng tôi tại ĐÂY